Sau khi Trung Quốc ngang ngược kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, các chuyên gia phân tích quốc tế nhận định rằng hành động hung hăng này của Trung Quốc có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng một cách nguy hiểm trên Biển Đông bởi nước này đang trong “cơn khát” vô độ về năng lượng.
Trong vòng 2 thập niên qua, Trung Quốc đã từ một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ trở thành một trong những nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. Theo dự báo năm 2013 của Tổ chức Năng lượng Thế giới (IEA), nhu cầu của Trung Quốc sẽ chiếm tới 31% tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu trong giai đoạn 2011-2035.
Trung Quốc có thể kéo giàn khoan 981 tới mọi nơi ở Biển Đông
Theo dự báo này, đến năm 2035, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ gấp đôi Mỹ và gấp ba Liên minh châu Âu. Và cơn khát năng lượng của Trung Quốc sẽ nhận được sự hậu thuẫn ngày càng lớn và hung hăng của lực lượng hải quân nước này, đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ muốn nuốt trọn Biển Đông để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai của mình.
Trên Biển Đông, quần đảo Natuna là nơi có trữ lượng dầu khí lớn và nằm trọng trong cái mà Trung Quốc gọi là “đường chín đoạn” nuốt trọn gần 90% diện tích Biển Đông. Tuy nhiên quần đảo này cũng nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Indonesia, và Indonesia đã nhiều lần tuyên bố rằng đây không phải là khu vực tranh chấp với Trung Quốc bởi “đường chín đoạn” kia không hề có cơ sở pháp luật quốc tế.
Quần đảo Natuna nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia
Thế nhưng, Bắc Kinh từ trước tới giờ vẫn áp dụng chiến thuật kiên trì im lặng, không phản ứng hay làm rõ vấn đề này bất chấp việc Indonesia đã rất nhiều lần yêu cầu, kiến nghị.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tương lai Trung Quốc sẽ bỏ qua quần đảo này của Indonesia, bởi hiện giữa hai nước vẫn có những cách hiểu khác nhau về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), đặc biệt là về khái niệm “đất thống trị biển”.
Đây chính là lý do khiến chuyên gia Rizal Sukma thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Indonesia gọi mối quan hệ của Indonesia và Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay là “sự nhập nhằng chiến lược”.
Sự nhập nhằng trong quan hệ hai nước chứa đựng nhiều yếu tố lịch sử. Bắc Kinh và Jakarta đã chấm dứt quan hệ ngoại giao trong suốt 23 năm sau khi Tổng thống Suharto lên nắm quyền. Hai nước nối lại quan hệ vòa năm 1990, nhưng sau đó quan hệ này lại lâm vào khủng hoảng năm 1994 về cách đối xử với người Indonesia gốc Hoa ở Bắc Sumatra.
Cho đến nay, mặc dù hai nước đã đạt được một số lợi ích kinh tế từ mối quan hệ tốt đẹp, song Jakarta vẫn phải đề phòng việc nước này sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của cách hành xử hung hăng và ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.
Cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng ngang ngược
Điều này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Tướng Moeldoko thể hiện trong một phát biểu gần đây rằng “Thách thức lớn nhất của Indonesia trong tương lai gần là các tranh chấp trên Biển Đông và an ninh biên giới.” Theo các chuyên gia, tuyên bố này của Tướng Moeldoko chứng tỏ một sự dịch chuyển trong các ưu tiên chiến lược của Indonesia nhằm đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng đến từ Trung Quốc.
Cho đến nay, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Indonesia vẫn theo dõi mọi động thái của Trung Quốc trên Biển Đông với con mắt đầy cảnh giác. Hồi tháng Hai, phát biểu sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập Khu vực Nhận diện Phòng không trên biển Hoa Đông, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã khẳng định “chúng tôi đã nói rõ với Trung Quốc rằng chúng tôi sẽ không chấp nhận khu vực tương tự trên Biển Đông”.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng bất chấp thủ đoạn để phục vụ cho tham vọng độc chiếm Biển Đông của mình, các chuyên gia phân tích cho rằng Jakarta cần phải thúc đẩy hơn nữa việc làm rõ với Trung Quốc về vị trí quần đảo Natuna.
Theo chuyên gia Bentley, Indonesia cần phải áp dụng chính sách ngoại giao trong một khuôn khổ chiến lược rộng lớn hơn nhằm quản lý vùng biển của mình và có những bước đi tích cực để bảo vệ lợi ích quốc gia trên Biển Đông, đề phòng tham vọng bành trướng đầy nguy hiểm của Trung Quốc.